Lương y Trần Xuân Toàn - từ Thầy thuốc Nhân dân Uu tú đến Doanh nhân thành đạt

  • 05-12-2023
  • 406

Trong nhiều năm hành nghề, ông đã được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều bằng khen của các hội Hội Doanh nghiệp, Hội Dược liệu, Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hội cựu chiến binh, ngành giáo dục,…

Ngay từ nhỏ đã tiếp xúc với nghề làm thuốc, chữa bệnh đến nay, sau mấy chục năm hành nghề thầy thuốc, từng cứu chữa cho rất nhiều người từ đau bệnh trở lại khỏe mạnh, lương y Trần Xuân Toàn là một thầy thuốc vừa có tâm, vừa có tình, lại tâm huyết trong bào chế thuốc chữa bệnh bằng những loại cây cỏ trong vườn nhà.
 

 
Ông bảo nếu nói cơ duyên đến với nghề thì cũng không hoàn toàn đúng vì ngay từ khi còn nhỏ, lúc bấy giờ ngành y chưa phát triển, còn thiếu thầy, thiếu thuốc và thiếu cơ sở điều trị. Người bệnh chỉ dựa vào ông, bà thầy lang ở địa phương nơi gần nhất. Ông kể: “Tôi có may mắn là bà ngoại tôi lúc bấy giờ rất có uy tín với cộng đồng dân cư ở quê tôi (Quảng Trạch, Quảng Bình). Mỗi khi có bệnh nhân đến nhà thì bà lại gọi tôi đến giúp bà những việc lặt vặt như coi nồi thuốc hay canh nong thuốc đang phơi lỡ trời mưa thì đưa vào nhà giùm bà,… Và tình yêu nghề cũng bắt đầu từ đấy, trải qua những năm tháng bên bà tôi đã tiếp thu được những kỹ năng, kỹ thuật của bà. Bà đã chữa khỏi bệnh cho rất nhiều người và nhiều loại bệnh khác nhau chỉ với cây kim tự chế, vườn thuốc tự trồng, tự thu hái và chế biến.”, ông Toàn bồi hồi nhớ lại. “Có lẽ dấu mốc mà tôi dấn thân vào nghề thuốc, nghề chữa bệnh là từ một sự kiện tình cờ. Vào một buổi trưa (không nhớ rõ năm nào nhưng tôi chưa đến tuổi đi học) trong khi đang chăn bò trên đê làng Cốn Vượn thì có một người phụ nữ đi chợ về đến đoạn chúng tôi đang ngồi chơi tự nhiên bà ấy ngã xuống, cái thúng hàng trên đầu bà đổ tung tóe ra và bà ngất lịm không động đậy. Tôi thấy vậy chạy tới lay bà nhưng bà nhắm mắt nằm im. Tự nhiên tôi nhớ tới có lần bà ngoại tôi cũng đã dùng cái gai bưởi để chích máu cho một ông nông dân đang đào khoai ngoài ruộng bị ngất, sau đó ông tỉnh lại. Vậy là tôi cũng vội vàng lấy cây kim băng dùng băng 2 vạt áo của tôi để chích lể máu ở huyệt nhân trung và nặn máu cho bà ấy. Một lúc sau bà ấy mở mắt ra và kêu “cứu tôi với” Vậy là bà ấy không chết.”
 

Từ người lính bước ra khỏi chiến trường trở về đời thường, anh thanh niên Trần Xuân Toàn năm xưa đã gặp muôn vàn khó khăn, phải trải qua nhiều nghề để kiếm sống nào là cán bộ, công an, công đoàn, cán bộ ngành lao động thương binh, xã hội và làm lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân Vườn Thương tại Đà Lạt. Nhưng đây có lẽ là thời kỳ ông phát huy được kỹ năng và năng lực vốn có của ông. Bản thân ông được các anh em trong hội doanh nhân, doanh nghiệp cả nước nhiệt tình trao đổi, hợp tác trong kinh doanh, nghiên cứu. Từ đó, ông đã thành công với 2 thương phẩm là Rượu sâm Ngọc Linh  và Rượu nấm Linh Chi mang thương hiệu Vườn Thương. Với Hội Dược liệu Việt Nam và tỉnh Lâm Đồng ông cũng rất được anh chị em ưu ái giúp đỡ trong lĩnh vực chuyên môn và gắn kết các đối tác để phát huy thế mạnh của cây thuốc Nam tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Điển hình ông đã sưu tầm được 700 loài cây làm thuốc.
 

 
Để trở thành bậc thầy trong ngành y học cổ truyền như hiện nay Lương y Trần Xuân Toàn đã trải qua khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Đầu tiên là thủ tục hành nghề và giấy phép hành nghề. “Có lẽ đây là sự cản trở lớn nhất hạn chế khả năng, cảm hứng, cảm nhận trong quá trình chữa bệnh cứu người của tôi. Thực ra phương pháp mà hiện nay tôi đang áp dụng để chữa tất cả các loại bệnh cho mọi người, hiệu quả rất cao, có những bệnh gần như chữa khỏi tuyệt đối nhưng lại không có trong bất cứ một bộ giáo trình giảng dạy nào của các trường y. Tôi nghĩ giấy phép cao nhất là sự cho phép của người bệnh. Họ tin và giao vận mạng của mình cho họ chữa. Đó là trách nhiệm và niềm tự hào của tôi.” ,ông nói.
Hiện nay, bên cạnh công việc chính là chữa bệnh cho mọi người thì ông còn dạy nghề cho học trò phương pháp chích lể và châm cứu để truyền kinh nghiệm. Đồng thời, ông còn nghiên cứu hoàn thiện quy trình dùng thuốc kết hợp với phương pháp chích lể và châm cứu, hoàn thiện phương pháp chế biến một số phương thuốc do bà ngoại ông để lại đối chiếu với các phương pháp, phương tiện kỹ thuật hiện đại ngày nay. “Thí dụ bà tôi dùng cua đồng, bạch chỉ để bó gãy xương. Tôi nhờ anh em ở Trường y Hà Nội phân tích thành phần hóa dược của con cua và bạch chỉ. Từ đó, tôi đã quyết định lấy 2 thành phần dược liệu đó vào bài thuốc trị thoái hóa cột sống và thoát vị đĩa đệm hiện nay.”, ông chia sẻ.
 

Lương y Trần Xuân Toàn đã được Viện Nghiên cứu các bài thuốc dân tộc Việt Nam và Viện Phát triển Văn hóa và chăm sóc sức khỏe cộng đồng cùng chứng nhận “Bảo tồn phương pháp chữa bệnh độc đáo bằng y học cổ truyền”, phương pháp chích lể khai thông hệ thống tuần hoàn khí huyết và dùng ám khí trong châm cứu. Cũng 2 viện trên đã công nhận và bảo tồn bài thuốc chữa thống phong – gút của lương y Trần Xuân Toàn. Năm 2015, lương y Trần Xuân Toàn được trao tặng danh hiệu thầy thuốc ưu tú ASEAN tại Băng Cốc, Thái Lan; năm 2022, ông nhận danh hiệu thầy thuốc nhân dân ASEAN tại Hà Nội. Trong nhiều năm hành nghề, ông đã được trao tặng Huy chương vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng, nhiều bằng khen của các hội Hội Doanh nghiệp, Hội Dược liệu, Hội chăm sóc sức khỏe cộng đồng, hội cựu chiến binh, ngành giáo dục,…
Nói về kế hoạch trong thời gian tới, ông hào hứng cho biết: “Tôi chờ nhà nước thực hiện quy hoạch xong tôi sẽ xây dựng trung tâm phát huy và ứng dụng kết quả của phương pháp điều trị lâu nay của tôi đến cộng đồng đặc biệt là ứng dụng bài thuốc chữa bệnh thống phong và gút. Trên nền tảng đó tôi sẽ mở lớp dạy nghề truyền lại cho các thế hệ tiếp theo. Đặc biệt, tổ chức nuôi trồng những cây con làm nguyên liệu chính của bài thuốc trị gút. Vì thế tôi rất mong được chính quyền các cấp quan tâm, các bạn đồng nghiệp đoàn kết hỗ trợ và giúp đỡ để các phương pháp và bài thuốc được đến với cộng đồng rộng rãi hơn, giá thành hạ hơn từ đó cứu chữa được nhiều người bệnh hơn.” Xin chúc Lương y Trần Xuân Toàn luôn mạnh khỏe để thực hiện thành công các dự định của mình và cứu chữa được cho nhiều người bệnh hơn nữa, mãi xứng danh lương y như từ mẫu, doanh nhân văn hóa trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng./.