Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng 2021 chuẩn, để cả năm phát tài, phát lộc

  • 21-02-2021
  • 1.338

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng có những món ăn thể hiện mong ước của mọi người hướng tới Phật tổ, gia tiên để cầu an vui, tài lộc cho gia đình.

Trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Giêng nhất định phải có những món ăn thể hiện mong muốn vạn sự vuông tròn, may mắn, đại cát đại lợi cho gia đình.

Vào ngày Rằm Tháng Giêng, người dân có thói quen đi lễ chùa, làm lễ cúng Phật, và mâm cỗ cúng gia tiên cầu bình an, may mắn cho người thân và gia đình. Thực tế cho thấy, mỗi địa phương, mỗi gia đình lại có cách chuẩn bị món ăn cho mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng khác nhau, và cũng tùy vào điều kiện kinh tế, phong tục tập quán mà cúng chay hay cúng mặn, làm nhiều món hay vừa phải.


Trong mâm cỗ cúng ngày Rằm tháng Giêng nhất định phải có những món ăn thể hiện mong muốn vạn sự vuông tròn, may mắn, đại cát đại lợi cho gia đình. Những món ăn phải có trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng về cơ bản không khác nhiều so với mâm cỗ Tết Nguyên Đán.

Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng nên chuẩn bị thế nào?

Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh, trong những ngày này, các gia đình thường chuẩn bị 2 lễ cúng, một là cúng Phật, hai là cúng gia tiên. Gia chủ cũng có thể lập đàn tràng tại gia để làm lễ giải hạn.

Lễ cúng Phật

Chuyên gia Bùi Quang Minh chia sẻ, vì là lễ cúng Phật nên mâm cỗ cúng sẽ không có các món mặn mà thay vào đó là các món ăn chay tinh khiết.

Gia chủ có thể chuẩn bị các món chay như:

- Bánh trôi nước

- Món xào chay

- Bát canh măng nấm hoặc là canh củ quả

- Hoa quả, chè xôi

- Các món đậu...

Ngoài ra, lễ vật cúng sẽ có hương, hoa, đèn, nến.

Lễ cúng gia tiên

Cúng gia tiên là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết. Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng truyền thống thường có những bát/ đĩa sau:

- 4 bát gồm: Bát mọc, ninh măng, bát miến, bát bóng

- 6 đĩa gồm thịt lợn (hoặc thịt gà), dưa muối, nem thính, giò chả, xôi và nước chấm


Cúng gia tiên là mâm lễ mặn với đầy đủ các món ăn ngày Tết đầy đủ, tinh khiết (Ảnh: Internet)

Bên cạnh mâm cỗ mặn, lễ vật đi kèm gồm:

- Hương, hoa

- Vàng mã.

- Đèn nến

- Trầu cau

- Rượu

Lưu ý, lễ vật cúng của lễ Phật và lễ gia tiên cần phải để riêng. Tuyệt đối không để chung đồ lễ mặn, chay, hoa quả trên bàn thờ hoặc dùng lẫn lộn đồ cúng. Hoa quả có thể để ở ban trên, còn đồ cúng mặn nên kê thêm bàn để ở dưới sau đó thắp hương.

Ý nghĩa các món ăn trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng

Mặc dù theo truyền thống, các mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng thường đầy đủ như trên nhưng hiện tại đã được rút gọn đi nhiều. Các mâm cỗ này tùy theo sở thích cũng như hoàn cảnh, thời gian của gia chủ mà có thể có nhiều hoặc ít món hơn hay có thể chỉ là một mâm cỗ chay đơn giản.

Dưới đây là một số món ăn thường gặp trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng tỏ lòng biết ơn với ông bà, tổ tiên, Phật thánh và cầu mong một năm an lành, may mắn, phát tài, phát lộc bạn có thể tham khảo.

Bánh chưng

Món ăn đầu tiên góp mặt trong mâm cúng Tết Nguyên tiêu – Rằm đầu tiên của năm mới là bánh chưng. Bánh chưng tượng trưng cho trời, như một lời cầu vạn sự được vuông tròn trong năm mới.

Xôi gấc

Đĩa xôi gấc trong mâm cúng ông bà tổ tiên ngày rằm đầu tiên của năm mới sẽ giúp cho mâm cỗ được nổi bật hơn. Không những thế màu đỏ của xôi gấc còn mang ý nghĩa của sự may mắn, mọi điều tốt đẹp.

Hoa quả

Không chỉ riêng ngày Rằm tháng Giêng mà tất cả các ngày lễ trong năm, hoa tươi và một đĩa ngũ quả là thứ không thể thiếu trên bàn thờ cúng tổ tiên. Tùy theo từng vùng miền mâm ngũ quả có sự khác nhau. Trên mâm ngũ quả của người miền Nam thường gồm mãng cầu Xiêm, dừa, đu đủ, xoài, sung, với ý nghĩa “cầu sung túc vừa đủ xài”.

Còn mâm ngũ quả người miền Bắc hầu hết các loại quả đều có thể bày lên nhưng chuối là luôn là thức quả không thể thiếu. Bởi vì theo quan niệm truyền thống, những quả chuối bày lên mâm ngũ quả cong lên ôm lấy mang ý nghĩa đùm bọc.

Gà luộc

Gà không chỉ là lễ vật dễ kiếm, dễ chế biến, mà hình ảnh gà trống còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Gà không chỉ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày mà trong các ngày lễ Tết, đây cũng là món ăn không thể thiếu.

Bánh trôi bánh chay

Bánh trôi bánh chay (chè trôi nước) cũng là món không thể thiếu trong mâm cỗ cúng Rằm. Theo quan niệm của người Việt, việc cúng bánh trôi bánh chay là mong muốn cho mọi việc quanh năm sẽ được trôi chảy, thông suốt.

Chân giò

Trong phong tục cổ truyền của người Việt, chân giò lợn là một thức quan trọng trong mâm cúng. Chân giò lợn khi cúng bằng tiếng Hán Việt gọi là trư túc. nhưng “trư” (lợn) đồng âm với “chư” (mọi thứ), còn “túc” (chân) còn có nghĩa là “sung túc, no đủ”.

Việc cúng chân giò lợn có thể được hiểu là mong muốn cho năm mới được đầy đủ, sung túc hơn. Song vì món chân giò lợn đòi hỏi nhiều thời gian và công sức chế biến nên giờ đây, nhiều gia đình đã thay món chân giò lợn bằng giò chả.

Ngoài ra trong mâm cỗ còn có thể có thêm cơm tẻ là lương thực hàng ngày. Mâm cỗ có nếp có tẻ, có âm dương đầy đủ để sinh sôi nảy nở. Bát nước chấm đặt giữa mâm hình tròn tượng trưng cho trời đất vũ trụ, kết nối cổ kim.

Mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Giêng cũng phải có đầy đủ các vị. Vị mặn của nước chấm, vị cay của ớt, vị chua của đĩa dưa hành, vị ngọt của bánh, tất cả tạo nên mâm cỗ đủ đầy, cầu mong yên ấm an lành, xua đi những đen đủi có thể đến trong năm mới.

Theo Báo Dân Việt

Bài viết khác